Nên đổ mái bê tông dốc hay không! ưu điểm và nhược điểm của giải pháp này là gì
10-26-2018
ĐÓNG VÀ MỞ
Nói về cấu trúc mái, các chuyên gia chia làm hai loại chính là mái có cấu trúc đóng (gọi tắt là mái đóng) và mái có cấu trúc mở (mái mở). Ở Thái Lan, 100% mái nhà là mái mở. Tại Việt Nam, theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, hiện khoảng 80% mái nhà là mái mở. Tuy nhiên, xu thế sử dụng mái đóng ngày càng thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thế nào là mái đóng/ mái mở; các tính chất vật lý chủ yếu và thử phân tích nguyên nhân tại sao mái đóng ngày càng được sử dụng nhiều ở Việt Nam.
MÁI NHÀ CẤU TRÚC MỞ
Mái có cấu trúc mở là mái không có một lớp ngăn cản nước hay chống thấm dột nào khác ngoại trừ ngói lợp. Nghĩa là bên dưới ngói không còn một lớp nào khác. Thông thường mái mở sử dụng hệ kèo - rui - mè để gắn vật liệu lợp. Việc tính toán kết cấu kèo - rui - mè xin để dành cho các kỹ sư kết cấu, Chúng ta chỉ bàn đến vai trò của ngói lợp trong hệ mái.
Trong hệ mái mở, khả năng chống dột, chống rò rỉ nước phụ thuộc hoàn toàn vào ngói lợp. Nếu ngói lợp không đảm bảo công năng ngăn cản nước thâm nhập vào phần dưới mái, nước sẽ dễ dàng vào nhà, chảy giọt lên trần và thế là mái bị dột. Bạn sẽ điên đầu vì đủ thứ phiền toái mà một cái mái dột có thể gây nên. Ngói lợp trong hệ mái mở, vì thế, thường được gọi là "ngói chức năng" (functional tile). Bởi không có một lớp nào bên dưới mái ngói, mái nhà có cấu trúc mở cho phép luồng không khí nóng ở phần áp mái thoát ra ngoài qua đoạn chồng nhau giữa các viên ngói. Vì vậy, người ta vẫn gọi mái nhà có cấu trúc mở là mái biết thở.
Mái nhà có cấu trúc mở:
- Ngói lợp đảm bảo công năng là chính
- Mái nhà biết thở
MÁI NHÀ CẤU TRÚC ĐÓNG
Mái nhà có cấu trúc đóng là mái có một lớp vật liệu chống xuyên nước phía dưới ngói lợp. Lớp vật liệu này có thể là một mái bê tông, như người dân Việt Nam vẫn chuộng sử sụng, cũng có thể là một lớp tôn sóng, một lớp sàn gỗ hay là tấm giấy dầu chống thấm như trong các hình minh họa dưới đây:
Đặc điểm của mái cấu trúc đóng hoàn toàn đối ngược với mái cấu trúc mở. Ngói lợp không đảm nhiệm công năng che nắng che mưa mà mang tính trang trí là chính. Dù rằng ngói không thực hiện đúng công năng của mình, mái nhà của bạn cũng chẳng bị hề hấn gì bởi phía dưới lớp ngói đã có một lớp vật liệu khác làm nhiệm vụ ngăn nước. Có thể nói rằng, trong trường hợp này, ngôi nhà của bạn được bảo vệ đến hai lớp. Tuy nhiên, sử dụng hai tầng bảo vệ không có nghĩa là mái nhà của bạn được đảm bảo chống dột hoàn toàn bởi nếu không cẩn trọng, cả hai lớp bảo vệ này đều có thể bị “thủng”, nghĩa là, nước vẫn có thể thâm nhập vào nhà dễ dàng. Cũng bởi mái nhà “không biết thở” nên người ta gọi mái nhà có cấu trúc đóng là mái chết (dead roof).
Mái nhà có cấu trúc đóng:
- Ngói lợp thiên về tính trang trí
- Mái không thở
MÁI BÊ-TÔNG, MÔ HÌNH MÁI ĐÓNG ĐẶC THÙ Ở VIỆT NAM
Theo nghiên cứu của chúng tôi, những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều chủ nhà lựa chọn mái bê tông là:
- Chống thấm
- Chống ồn
- Giữ cho khoảng áp mái sạch sẽ, không bị bụi bẩn trong không trung
- Tăng cường độ bền vững cho mái khi gặp gió bão.
Trái với nhận định của hầu hết các vị chủ nhà, khá nhiều nhà thầu, kỹ sư xây dựng lại đánh giá khá tiêu cực về mái bê tông. “Nhược điểm của giải pháp này là kết cấu bê tông nặng nề, tốn kém cho hệ dầm, cột và móng. Mái bê tông có hệ số tản nhiệt thấp, do vậy rất nóng về mùa hè. Hơn nữa do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm, lúc nắng và lúc mưa rất lớn do vậy gây co ngót mạnh cho mái bê tông. Sự co ngót của bê tông là nguyên nhân gây ra vỡ ngói dán bên trên làm thấm, dột mái bê tông. Những nhược điểm này thường chỉ được nhận ra sau khi đã đưa công trình vào sử dụng. Việc xử lý thấm dột của mái bê tông dán ngói là cực kỳ khó khăn và không triệt để do phải đục bỏ toàn bộ phần ngói và xử lý bằng các loại chất chống thấm.”